Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Đó là tục thờ cúng tổ tiên, rồi mở rộng ra thờ Thành Hoàng (được coi là tổ tiên làng xóm) gồm các nhân thần, tức là những con người thật, có nhiều công đức với dân như các anh hùng có công đánh giặc, giữ nước, các vị có công khai canh, lập làng, lập xóm, các vị tổ của các làng nghề... Cũng có thể là các nhiên thần, tức nhân vật tượng trưng cho các thế hệ thiên nhiên như: thần sông, thần núi, thần sấm sét, thần lửa, thần nước...
Từ các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ các thần linh, đặc biệt ở người Việt còn có tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như là một đạo, một loại tôn giáo dân gian sơ khai.
Mẫu là Mẹ. Tục thờ Mẫu có thể là hiện thân của tục thờ nữ thần thời cổ đại. Dù sao, đến thời trung đại, Mẫu được thờ ở các đền, các phủ. Đứng đầu là các Mẫu thượng ngàn, Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y Thánh Mẫu...
Dưới hàng Mẫu là các hàng Quan (như Quan lớn Tuần Tranh, Quan lớn Triệu Tường), Chầu (Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị), ông Hoàng (Hoàng Đội, Hoàng Mười), Cô (Cô Bơ, Cô Chín), Cậu (Cậu Bơ, Cậu Bé....), tất cả gọi chung là chư vị.
Vì chưa phát triển thành tôn giáo mà chỉ ở dạng một tập tục thờ cúng nên mỗi thời, mỗi vùng có tục thờ, cúng khác nhau. Nơi thờ các Mẫu cùng với các hàng quan, hàng chầu... gọi là đền. Tuỳ ở từng địa phương, các thần được bổ sung thêm như: Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, Bà Chúa Kho và nhiều quan lớn như: Tuần Tranh, Triệu Tường, các cô, các cậu...
Đền nào mà chủ thể thờ cúng chính là bà Liễu Hạnh thị gọi là Phủ. Phủ nổi tiếng nhất là Phủ Dày ở ngay làng quê của bà (Nam Định). Đền thờ Mẫu mà đặt trong khuôn viên chùa thì gọi là điện Mẫu. Ngoài ra nhiều gia đình còn lập các am, các tĩnh để thờ Mẫu.
Tục thờ Mẫu và Chư Vị vốn phát sinh ở miền Bắc, khi vào đến miền Nam thì tục thờ này đã đưa vào các thần điện của mình các nữ thần trong tín ngưỡng thờ cúng tổ địa phương như Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh), Thiên Y A Na (điện Hòn Chén, Huế).
Ở miền Bắc, tục thờ Mẫu được phổ biến nhiều nhất ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh). ở đây, hầu hết các đền chùa đều có bàn thờ Mẫu. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, tục thờ Mẫu trong dân gian là biểu hiện của nguyên lý Mẹ, là biểu hiện của sự thuận hoà và sinh sôi, phát triển. Khi khảo sát các đền thờ Mẫu ở Kinh Bắc, các văn bản cho thấy rằng việc thờ Mẫu chính là tục thờ các yếu tố tự nhiên và các loài hoa của con người cổ xưa. Từ trong tín ngưỡng tôn thờ các yếu tố thiên nhiên đó, người Việt xưa, chủ yếu là phụ nữ, đã lấy việc thờ tranh hoa để thể hiện ý nguyện được hòa vào thiên nhiên của mình. Do đó mà trong các văn bản ở những nơi thờ cúng Mẫu đều nhắc đến các loài hoa của thiên nhiên Việt Nam.
Các loài hoa trong tín ngưỡng Mẫu gồm có: Hoa đại diện cho bốn mùa là đào (xuân), hồng (hạ), bạch ngọc (thu), cúc (đông). Tiếp theo là các loài hoa: Quỳnh, Phù Dung, Đại, Liễu Hạnh, Thuỷ Tiên, Huệ, Quế, Mai, Sen, Mơ, Mẫu Đơn, Bưởi, Lan, Kim Ngân...Các loài hoa trên đây được dân gian tôn lên ở mức độ cao với các tên như: Liễu Hạnh công chúa, Thuỷ Tiên công chúa, Đại Hoa công chúa, Quế Hoa công chúa, Quỳnh Hoa công chúa... và được sống yên vui ở Lục Bộ tiên cung với Cửu trùng huyền nữ (trời cao), Địa tiên thánh mẫu (đất dày), Thuỷ tiên thánh mẫu (sông nước) và Thượng ngàn thánh mẫu (núi cả) trong sự vận hành của Vân cát thần nữ (mây mưa) từ đông sang tây với Đông phương thánh mẫu và Tây phương thánh mẫu.
Như vậy, có thể hiểu rằng, tục thờ Mẫu là tục thờ đất Mẹ Việt Nam với trăm hoa đua nở (bách hoa, bách sắc), một biểu hiện đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bởi thế, người Việt Nam xưa đã coi Thánh Mẫu là một trong bốn vị Thánh bất tử của Việt Nam, gồm Tản viên sơn thánh, Phù đổng thiên vương, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu.
Chính việc thờ Mẫu (Mẹ), thờ Cha (Tổ) và những người có công với dân, với nước nên người Việt Nam đã không bị đồng hoá bởi các nền văn hoá ngoại bang mà vẫn giữ được bản sắc của mình và phát huy được sức mạnh của nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc. Truyền thống thờ Mẫu, coi trọng người Mẹ, coi trọng phụ nữ đã có từ lâu đời.
Ngày xuân, trong mỗi gia đình đều có hoa. Hoa không chỉ là việc mừng đón xuân mà còn là ước mơ cao đẹp thuộc về phạm trù tâm linh, tín ngưỡng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét